Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Câu đối xuân

Ngày xuân kiến tạo bức tranh xuân, vươn tới đỉnh cao Chân – Thiện – Mỹ.- Năm mới dựng xây con người mới, chói ngời gương sáng Đức – Tài – Tâm.
+++
- Già mẫu mực, tâm đức nêu gương, việc đạo việc đời, truyền con cháu.- Trẻ xông pha, nhiệt tình phấn đấu, chữ trung, chữ hiếu, học Ông Bà
+++
- Duy trì nề nếp, giữ vững thuần phong, nền móng gia đình bền vạn thuở.- Tuân thủ kỷ cương, nối truyền đạo lý, lầu đài tổ quốc vững nghìn thu.

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

Bài 3: CÁCH VIẾT CHỮ

Bài 3: CÁCH VIẾT CHỮ
Cách viết chữ rất đa dạng. Khởi sự chúng ta chỉ nên chọn một số phương pháp thực hành mang tính cơ bản. Đó là việc lựa chọn kiểu chữ, rèn luyện kiểu chữ và tập ráp chữ.

I. Viết mẫu tự
_ Tâp viết 24 chữ cái loại viết chữ hoa bằng các nét căn bản đã học, theo các nhóm chữ sau:
+ Nhóm 1: E, H, I, L, T (ứng dụng nét tung và hoành)


+ Nhóm 2: A, K, M, N, V, X, Y, Z, W (ứng dụng nét chéo)



+ Nhóm 3: B, C, D, Đ, G, O, Q, P, S, R, U (Ứng dụng nét cung, vòng, tròn)


_ Tâp viết 24 chữ cái loại chữ viết thường bằng các nét căn bản (kết hợp tung, hoành, xiên, cung, tròn,…)




Lưu ý: Các học viên cần tham khảo thêm nhiều mẫu chữ cái của nhiều nhà thư pháp khác viết. Được như vậy, mới tạo ra nét riêng cho mình, không rập khuôn theo người hướng dẫn. Đó mới là đích thực của thư pháp.

* Một số mẫu chữ cái tham khảo
a. Mẫu chữ của Hồ Công Khanh:



b. Mẫu chữ của Đăng Học:


II. Cách Viết chữ
_ Lựa chọn kiểu chữ
Kiểu chữ đầu tiên nên chọn để tập viết là kiểu chữ Chân phương, là loại chữ mà hầu như ai cũng đọc được, viết được từ khi mới nhập môn Thư pháp cho tới khi thành công trong lĩnh vực viết Thư pháp.

Khi viết chân phương, người ta thể hiện qua hai cách:
_ Cách viết chữ bằng nhiều nét: cách viết của người cẩn thận, rõ ràng. Cách viết này có ưu điểm là chữ viết dễ đọc, dễ bố cục sắp xếp,…nhưng nó ít tạo nét thanh, vết xước vì viết chậm, thiếu tính uyển chuyển.


_ Cách viết chữ bằng một nét: là cách viết liền lạc và viết nhanh như người viết đang ký tên. Vì viết nhanh nên chữ tạo ra những vệt mực thanh, mãnh và có những nét đậm như "vẽ", nhưng chữ dễ bị rối, dễ bị xoắn, khó đọc,…


Lưu ý: Dù chọn chữ nào cũng phải tránh việc tô đi, đồ lại những chữ thích đậm nét mà phải đi cọ một lần cho mỗi nét, có như thế Thư pháp mới có tính đặc thù riêng, chứ không sẽ trở thành họa sĩ vẽ quảng cáo.

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

Câu đối tết

1. - Kết liên Thánh Kinh Tình Yêu Chúa,
- Thông hợp Tin Mừng sức sống dân.
2. - Xuân mới chan hoà trên đất nước,
- Tin Mừng loan báo đến muôn dân.
3. - Đức ái Thánh Gia soi trần thế,
- Lương Thần Mình Chúa dưỡng thánh nhân.
4. - Nhật khứ nhật lai ân Chủ giang,
- Xuân hồi xuân tái phúc Thiên bang.
5. – Tết đến đầu năm ơn Chúa viếng,
- Xuân qua mãn thọ phúc con trông.
6. - Xin Thiên Chúa xuân sang hạnh phúc,
- Khấn Nữ Vương Tết tặng an bình.
7. - Thiên Chúa Hồng Ân xuân mãn túc,
- Thánh Kinh Bửu huấn nhật quang hoa.
8. - Ngày xuân kính Chúa, bình an đến,
- Năm mới thương người, thánh sủng về.
9. - Mừng xuân hỷ xả thêm công đức,
- ĐónTết từ bi bớt não phiền.
10. - Đón xuân mới, rước Chúa vô nhà ở mãi,
- Tiễn năm củ, đuổi quỷ đi chỗ ngoài luôn.
11. - Mình Chúa dưỡng sức dân, tâm niệm lộc thần phúc vô biên,
- Thánh Kinh truyền tình Chúa, thực hành Lời Thánh xuân bất tận.
12. – Thánh Gia thi bác ái, ân tỷ xuân phong lâm hạ thổ,
- Thể Huyết dưỡng nhân linh, đạo đồng húc nhật lệ trung thiên.
13. - Đức ái Thánh Gia, như hoa xuân toả hương cho trần thế,
- Lương Thần Mình Chúa, tựa nắng sớm bồi sức dưỡng thánh nhân.
14. – Tình Chúa tựa ánh xuân, nhân nghĩa ấm nồng che trời đất
- Ơn Trên như mứa móc, đức cao lan toả phủ thế nhân.
15. - Cha Hiển Thánh mến thương, hoàn vũ tán dương, hoàn vũ nghinh lạc hưởng
- Phúc Tin Mừng hoan hỷ, mọi nhà truyền quý, mọi nhà sống an vui.
16. - Tứ đức duy tân, thế giới thái bình kỳ Chủ hữu
- Thất ân y cựu, gia đình hoà thuân ngưỡng thiên ân.
17. - Canh tân tứ đức, thế giới thái bình Trời phù hộ,
- Vững mạnh bảy ơn, gia đìng hoà thuận Chúa thông ban.
18. – Gia gia, gia thuận cảnh, tôn hiền tử hiếu tề tụng Chúa,
- Hộ hộ, hộ hanh thông, quốc thái dân an cộng hoan Thiên.
19. – Nhà nhà khá giả thuận hoà, con hiền cháu hiếu, đồng tâm ca tụng Chúa,
- Cửa cửa quang thông hoan hỷ, quốc thái dân an, hợp tiếng ngợi khen trời.
14. - Chân thành suy niêm kinh Môi Côi
Ơn thiêng dạt dào tuôn tuôn đổ.
- Nghĩa thiết thực thi nếp gia đình
Lộc Thánh nhuần thấm tiến tiến lên.
15. - Ơn Chúa tràn đầy, Xuân mới chan hoà trên đất nước,
- Lửa Trời chiếu dọi, Tin Mừng rạng tỏ khắp nhân gian.
16. - Tình Chúa tựa ánh xuân, nhân nghĩa ấm nồng che trời đất,
- Ơn Trên như mứa móc, đức cao lan toả phủ thế nhân.
17. - Nhật Khứu nhật lai ân Chúa giáng,
- Xuân hồi xuân tái phúc thiên ban.
18. - Tết đến đầu năm ơn Chúa viếng,
- Xuân qua mãn thọ phúc con dâng.
19. - Liên kết Tin Mừng – Tinh Yếu Chúa,
- Hiệp thông Thánh Thể – Sức Sống dân.
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
Lm. GB. Nguyễn Văn Hiếu

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

Tâm lý và cách giáo dục học sinh tiểu học
Video  Hình ảnh Tài liệu download
http://www.chuongtrinhchuyende.com/ctcd/jsp/client/topic_detail.jsp?createDt=20101024104451
DẠY TRẺ BẰNG TÌNH THƯƠNG VÀ SỰ HIỂU BIẾT

 

Nguyễn Hoàng Thương


Trong tiến trình phát triển, con người qua rất nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn mang một đặc tính tâm lý riêng và có cách giáo dục riêng, nhất là trong thời gian còn trẻ. Tuổi tiểu học có lẽ là tuổi an bình so với thời thiếu niên, thời tuổi trẻ. Độ tuổi tiểu học vô cùng quan trọng, đôi khi cha mẹ sai lầm trong việc giáo dục, áp dụng phương pháp giáo dục áp đặt vào con trẻ, làm cho chúng xa cách cha mẹ và càng khó giáo dục, khi lớn lên chúng dễ sa vào con đường hư hỏng.
Chính những ưu tư trước khó khăn của các bậc cha mẹ trong việc dạy con ở độ tuổi tiểu học, chiều ngày 27/11/2010, Chương trình Chuyên Đề Ban Mục Vụ Gia Đình TGP Sài Gòn đã mời Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bích Hồng, người có nhiều kinh nghiệm nói về giáo dục con cái đến chia sẻ đề tài “TÂM LÝ VÀ CÁCH GIÁO DỤC HỌC SINH TIỂU HỌC” tại Trung Tâm Mục Vụ giáo phận. Cô là diễn giả được nhiều người yêu thích qua cách trình bày dí dỏm, sinh động và thực tế, cô còn là tác giả của hai quyển sách được quý phụ huynh yêu thích “Khi con lớn” và “Sắc màu của cuộc sống” của nhà xuất bản Giáo Dục, mới xuất bản tháng 10/2010.

Chuyện về trẻ tiểu học thật thú vị, chúng ta đang hướng về những đứa trẻ với những ánh mắt rất ngây thơ, hiền dịu, nơi trường học các em giống như những thiên thần nhỏ, những chú chim non. Chính từ những đôi mắt tròn xoe, những nụ cười hết sức tươi tắn đó các em đã níu chân thầy cô vì theo kinh nghiệm nghề giáo, làm giáo viên bậc tiểu học thật nhọc nhằn.
Khi trẻ bước vào môi trường học tiểu học, chương trình học tập đã bắt đầu mang tính chất hệ thống và thể hiện tính khoa học một cách cơ bản hơn so với chương trình mẫu giáo. Để hiểu rõ trẻ, cần nhìn lại đặc điểm thể chất của trẻ để thấy rằng đây là cơ sở về mặt sinh học rất cần thiết để trẻ bắt đầu bước vào môi trường học tập thật sự. Khi trẻ được 6 tuổi, não bộ đã đạt được 90% so với trọng lượng não khi người đó trưởng thành, lớp chất xám đã bao phủ, trẻ có thể tiến hành hoạt động nhận thức, cho nên trẻ trước 6 tuổi không nên đi học. Với trẻ tiểu học, hệ xương còn mềm nhiều mô sụn, xương dễ bị biến dạng, hệ cơ còn yếu, chứa nhiều nước nên cần chú ý trọng lượng mang vác và tư thế của trẻ. Lúc này, trẻ có khả năng phối hợp vận động tay chân một cách thành thục, khéo léo, ở mức độ tinh vi hơn thời mẫu giáo như có thể có thể đạp xe đạp hai bánh, chơi scooter, nhảy dây, banh đũa, học thủ công, thêu thùa...
Trong giai đoạn này, người lớn cần chú ý sửa chữa những thói quen xấu của trẻ như bặm môi, méo miệng, tư thế ngồi vẹo lưng... đây là những hành vi, thói quen đáng tiếc dễ theo trẻ đến lớn khi cha mẹ không chú ý nhắc nhở con.
Mỗi một lứa tuổi có một hoạt động chủ đạo, hoạt động này đẩy nhanh sự phát triển tâm lý ở giai đoạn đó. Ở độ tuổi tiểu học, trẻ vẫn còn thích chơi nhưng hoạt động đem lại nhiều ý nghĩa cho sự phát triển tâm lý là hoạt động học tập, nhưng đồng thời trẻ cũng cần tham gia những hoạt động khác. Tuy nhiên, trẻ rất cần sự hỗ trợ của người lớn như cha mẹ, thầy cô để thích nghi và đáp ứng được các nhiệm vụ học tập ở nhà trường tiểu học. Bước vào tuổi tiểu học là một bước ngoặc đối với trẻ, học nhiều hơn chơi, nên trẻ thường gặp phải những trở ngại trong sinh hoạt như nhà vệ sinh không sạch, chỗ ngồi chói nắng, không biết cách làm quen với bạn…
Trẻ lúng túng, ngờ nghệt không có cách lý giải, không biết cách giải quyết vấn đề giống như người lớn. Vì thế, cha mẹ cần phải hỗ trợ cho trẻ trong giai đoạn này như trang bị vật dụng, chú ý đến dụng cụ học tập của trẻ, vì nếu thiếu, chúng dễ thua thiệt bạn bè. Bên cạnh đó, cần hỏi han tình hình học trên lớp để trẻ hòa nhập vào môi trường học tập bằng cách đặt câu hỏi, như hỏi bạn tên gì, cô giáo tên gì…, cha mẹ cũng cần để ý giải đáp thắc mắc, hướng dẫn cho trẻ khi cần thiết, động viên khi con học chưa tốt chứ không nên chê bai, la rầy và thường xuyên nhắc nhở con thực hiện nhiệm vụ học tập bằng chính tình thương của mình.
Ở bậc tiểu học, hoạt động học tập là hoạt động chủ đạo thúc đẩy cho sự phát triển tâm lý, trí tuệ của trẻ qua khả năng quan sát và nhận dạng các sự vật trong cuộc sống và trong học tập. Một đặc điểm của trẻ tiểu học là tính đại khái, nhận thức vấn đề một cách sơ sài, bỏ sót chi tiết, dẫn đến trẻ dễ nhầm lẫn, sai sót trong chữ viết, đọc văn bản và sử dụng từ ngữ nhầm ở những chữ gần giống nhau. Từ những lỗ hổng rất nhỏ nếu cha mẹ không động viên, giải đáp thắc mắc của con trẻ sẽ làm trẻ mất căn bản. Sự chú ý ở trẻ dễ bị phân tán do tập trung kém, bị nhiễu bởi tác động mới lạ, trẻ có trí nhớ tốt, nhưng cách ghi nhớ máy móc theo kiểu học vẹt, nên cần hướng dẫn cách nhớ, không lạm dụng trí nhớ mà hãy để bộ nhớ của trẻ dung nạp những gì cần thiết cho cuộc đời. Về mặt tư duy, trẻ có tư duy trực quan, cụ thể nên khi dạy học cần có hình ảnh, âm thanh, vật liệu để trẻ học tốt hơn.
Đôi khi trẻ không hình dung được hiện tượng quá sức tưởng tượng của mình, những khái niệm về không gian, thời gian bị hạn chế do lối tư duy cụ thể, mộc mạc. Về nhận thức, tư duy logic phát triển, nhưng tính toán, xếp theo thứ tự nhiều khi hạn chế.
Đời sống tâm lý của trẻ bị chi phối rất mạnh bởi tâm lý và tình cảm, trẻ thường sống bằng tình hơn sống theo lý, trước một hiện tượng, trẻ học và biết rằng theo quy luật là như thế nhưng khi ứng xử trẻ lại sử dụng tình cảm cá nhân.
Trẻ tiểu học có cảm xúc không ổn định, hay thay đổi, giận đó rồi quên đó. Khác với trẻ mẫu giáo, ở độ tuổi này trẻ đã biết giải thích nguyên nhân hình thành cảm xúc, tình cảm của mình dù rằng nhiều khi đưa ra lý do thể hiện tình cảm của mình một cách vô lý, chẳng hạn thương cha ít hơn thương mẹ vì cha hay la rầy, thương mẹ vì mẹ mập giống con. Trẻ còn bắt chước cách biểu lộ tình cảm của người lớn, đây là một chi tiết rất quan trọng. Học trò lớp 2, lớp 3 là có thể viết thư để biểu lộ tình cảm như người lớn, bắt chước người lớn về cách nói năng, cách xúc cảm nhưng không hiểu vấn đề. Có những trường hợp các trẻ biểu lộ tình cảm với thầy cô giáo như rót nước mời cô, phụ giúp phát tập… nhờ vậy được hưởng những đặc ân nào đó. Chúng bộc lộ được như vậy là nhờ bắt chước cách biểu lộ của người lớn. Đôi khi, những đứa trẻ chỉ chứng kiến, có kinh nghiệm về thái độ buồn rầu, khó chịu, những hành vi tức giận của người lớn, để khi trẻ buồn, giận thì biết bộc lộ tình cảm, trong khi các tình cảm khác như tự hào, xúc động lại không biết cách thể hiện. Cha mẹ đã không bộc lộ đầy đủ các loại tình cảm như một bài học cho trẻ làm theo, hay bộc lộ không đúng, không phù hợp, trẻ sẽ không biết cách biểu lộ tình cảm dẫn đến thiếu kỹ năng sống khi lớn. Cho nên, cần dạy cho con cách biểu lộ đúng mực để trẻ biết cách biểu lộ phù hợp.
Trẻ tiểu học còn phát triển tình cảm cấp cao, trẻ có những cảm xúc, thái độ trước một điều đúng, điều sai, trước một điều tốt, điều xấu, đồng tình hưởng ứng với điều tốt, có thái độ phê bình, phủ nhận cái sai, cái xấu, những biểu lộ như thế được gọi là tình cảm đạo đức. Do ảnh hưởng của quá trình học tập, trẻ đề cao sự công bằng, trẻ học được sự công bằng từ cách đánh giá của của nhà trường qua điểm số, để rồi trẻ đi vào cuộc sống bằng sự hưởng ứng công bằng. Cần tôn trọng trẻ, dạy trẻ công bằng, đừng để trẻ niếm trải sự bất công vì hiểu lầm.
Với tình cảm trí tuệ, trẻ thích tìm hiểu, khám phá và đặt câu hỏi với người lớn, đây là đặc tính đã phát triển từ thời mẫu giáo nhưng lúc này câu hỏi tinh tế hơn, lôgic hơn, trẻ biết cách đặt câu hỏi cuối cùng để đưa ra câu trả lời cuối cùng, có những câu hỏi nhiều khi rất đáng khen ngợi. Đừng bỏ qua câu hỏi của trẻ vì tình cảm trí tuệ làm cho trẻ ham học. Quy tắc chung khi trả lời câu hỏi giới tính cho trẻ là cần trả lời chính xác, trung thực bằng ngôn ngữ của trẻ. Trẻ tiểu học còn có tình càm thẩm mỹ, trẻ rất yêu thích cái đẹp, sở hữu cái đẹp và sáng tạo ra cái đẹp.
Trong đặc điểm nhân cách, trẻ hồn nhiên, hướng thiện, đây là thời kỳ rất đẹp, rất an bình, trong sáng, nên phải bảo vệ và giữ gìn sự hồn nhiên cho trẻ. Trẻ bắt đầu phát triển phẩm chất ý chí, đi vào học tập đòi hỏi sự cố gắng, sự tranh đua nên trẻ thể hiện ý chí vươn lên dù còn non kém. Tính độc lập là một bản lĩnh của con người, nhưng trẻ tiểu học có tính độc lập yếu, hay bắt chước, dễ bị ngã theo nhận xét, theo ý chí của người khác. Trẻ đã có tính tự chủ nhưng còn kém nên trẻ dễ phạm lỗi trước những yêu cầu nghiêm ngặt, không hành động bằng lý trí mà hành động bằng cảm xúc, biết là cô không cho nói chuyện nhưng vẫn trò chuyện, biết nhà trường không cho mua quà vặt trước cổng trường nhưng vì tiện thể hay thèm những món ăn đó nên vẫn cứ mua… Tương tự, trẻ có kiên trì không cao, dễ nản chí, bỏ cuộc nửa chừng, khi cha mẹ bảo học bài thường viện cớ mỏi tay, muỗi cắn, khát nước, nóng nực…
Ở đặc điểm nhân cách, trẻ chỉ có khả năng tự nhận thức bản thân theo ý kiến của người khác nên đôi khi trẻ gặp nhiều khó khăn, nếu đứng trước những ý kiến khác biệt hoặc mâu thuẫn giữa những lời nhận xét của những người xunh quanh làm chúng có thể bối rối, chẳng hạn mẹ khen con sáng dạ, trong khi đó vào trường do không hiểu bài cô lại bảo trẻ tối tăm. Do người khác nhận xét sao thì nghe vậy, trẻ không thể nào tự biết mình, đôi khi trẻ nhận thức méo mó về bản thân, với những nhận định cực đoan, những hình ảnh sai lệch qua những lời nói của cha mẹ có thể làm cho trẻ ám ảnh, tâm hồn trẻ vốn mong manh nên dễ bị tổn thương. Cho nên cần thận trọng với trẻ trong cách nhận xét, và không nặng lời với con.
Từ đây, ta có thể phát hiện ra trẻ có những nhu cầu tâm lý mà người lớn phải đáp ứng để trẻ được thỏa mãn. Do nhu cầu vận động nên trẻ hiếu động, không ngồi yên, khi người lớn hiểu sẽ biết phải làm gì với trẻ, khi trẻ thụ động thì biết cách hoạt náo để kiểm soát được tình hình. Ngoài việc học, trẻ còn có nhu cầu vui chơi, trò chơi đem lại nhiều điều bổ ích, giúp trẻ rèn luyện nhiều phẩm chất và rèn được nhiều kỹ năng tốt. Những trò chơi dân dã như soi gương, chơi U, nhảy dây… giúp trẻ tập trung tư duy, rèn luyện thể chất, luyện tinh thần đồng đội. Chính trò chơi có thắng, có thua sẽ giúp trẻ đi vào cuộc đời bằng cách chấp nhận thắng thua để sống một cách trưởng thành. Trẻ còn có nhu cầu nhận và hoàn thành nhiệm vụ để được khen như xung phong phát bài cho cô, được cử làm tổ trưởng, lớp phó, lớp trưởng…
Trong cuộc sống của trẻ, có 3 loại hoạt động cơ bản là học, chơi và làm, nhờ vậy giúp cho đời sống tâm lý cân bằng, cuộc sống hài hòa. Nếu trẻ chỉ học mà không chơi và làm, trẻ sẽ phát triển phiến diện, tâm lý không cân bằng, nghèo nàn về cuộc sống, chính vì thế khi trẻ lớn lên đến độ tuổi thiếu niên, có nhiều tệ nạn đặt ra và trẻ dễ sa ngã. Hãy để cho con trẻ được cân bằng ở tuổi tiểu học, giữ cho trẻ được hồn nhiên, giữ cho con những chất đẹp đẽ và lương thiện để khi lớn hơn trẻ ít bị tiêm nhiễm thói xấu dẫn đến hư hỏng.
Nếu những hoạt động học, chơi, làm được đáp ứng, trẻ sẽ nhận thức được bản thân mình cách tích cực hơn, cảm giác rằng mình có giá trị vì vậy lòng tự trọng hình thành. Tự trọng là phẩm chất quý giá của con người, từ tự trọng sẽ dẫn đến tự giác và tự chủ. Nếu những nhu cầu này không được đáp ứng thì đứa trẻ sẽ tự ti, học nhiều quá trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, không hiệu quả, không được chơi, được làm trẻ sẽ vụng về, luôn bị phê bình dẫn đến tự ti.
Nói tóm lại, hiểu con trẻ để giáo dục đúng đắn hơn, giúp trẻ hạnh phúc trong cuộc đời và chính vì thế người lớn cũng được hạnh phúc, tương lai xã hội sẽ tươi đẹp hơn. Để dạy trẻ có hiệu quả, ngoài tình thương của các bậc cha mẹ dành cho con cái, thì hiểu biết tâm lý trẻ, đặc điểm thể chất, tình cảm, nhân cách, tâm tư nguyện vọng của trẻ sẽ giúp trẻ dung hòa cuộc sống để khi trưởng thành trở thành người có ích cho xã hội.

Sài Gòn, ngày 02/12/2010,
Nguyễn Hoàng Thương